ĂN CÁ CÓ THỂ PHÒNG NGỪA BỆNH PARKINSON?
Theo nghiên cứu mới nhất, một thành phần thường thấy trong cá có thể ngăn ngừa bệnh Parkinson. Nhóm nghiên cứu cũng tìm ra một cơ chế đáng chú ý tạo cơ sở cho các loại thuốc tốt hơn ra đời để điều trị các bệnh thoái hóa thần kinh.
Qua nhiều thập kỷ, có rất nhiều nghiên cứu đã tập trung vào nghiên cứu liệu ăn nhiều cá có thể giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ và cải thiện nhận thức hay không. Và cho đến nay đã có bằng chứng mạnh mẽ ủng hộ giả thuyết trên.
Acid béo Omega có trong cá ban đầu được xem là thành phần có tác dụng bảo vệ thần kinh, tuy nhiên vẫn chưa có nghiên cứu nào ủng hộ giả thuyết này. Mặc dù nhiều công ty quảng cáo rằng bổ sung Omega sẽ ngăn ngừa chứng mất trí nhớ và giúp ta minh mẫn hơn, nhưng khoa học chưa công nhận điều này.
Vậy, thành phần nào trong cá có lợi cho bộ não của chúng ta? Theo nghiên cứu mới nhất, thành phần đó có thể là một loại protein có tên là parvalbumin.
Parvalbumin là một protein liên kết với canxi, được tìm thấy với lượng lớn ở nhiều loại cá, đặc biệt trong phần thịt của cá. Nó cũng là nguyên nhân phổ biến nhất gây mẫn cảm ở những người dị ứng với cá có thể do Parvalbumin không bị phân hủy ở đường tiêu hóa và đi vào máu kích hoạt hệ thống miễn dịch.
TỪ CÁ ĐẾN BỆNH PARKINSON
Mặc dù cơ chế chính xác dẫn đến bệnh Parkinson vẫn đang được làm sáng tỏ, nhưng nguyên nhân có thể do sự hình thành một loại protein đặc biệt là Alpha-synuclein, còn gọi là protein của Parkinson, tích tụ nhiều trong não của những người mắc bệnh Parkinson.
Khi những protein này cuộn gấp bất thường, chúng có xu hướng kết dính với nhau tạo thành các sợi nhỏ hoặc dạng amyloid. Dạng amyloid này không phải lúc nào cũng có hại, nhưng chúng có mặt trong một số tình trạng thoái hóa thần kinh bao gồm Huntington, Parkinson và Alzheimer.
Gần đây, các nhà nghiên cứu từ Đại học Công nghệ Chalmers ở Gothenburg, Thụy Điển, đã tiến hành các thử nghiệm để nghiên cứu tương tác giữa Parvalbumin và Alpha-synuclein. Những phát hiện của họ đã được công bố trên tạp chí Science Reports .
Họ cho rằng parvalbumin giúp “dọn sạch” alpha-synuclein bằng cách liên kết với alpha-synuclein để nó không thể tích tụ được trong bệnh nhân Parkinson. Tác giả nghiên cứu chính, Giáo sư Pernilla Wittung-Stafshede, Trưởng khoa Hóa Sinh tại trường đại học này, giải thích :
“Parvalbumin tập hợp các ‘protein Parkinson’ và ngăn chặn chúng kết hợp lại với nhau bằng cách đơn giản là đến gắn kết với chính các protein Parkinson này trước.”
Bằng cách này, parvalbumin có khả năng “dọn sạch” các amyloid bất thường trước khi nó tích tụ trong cơ thể. Vì vậy, ăn cá với hàm lượng protein cao có thể mang lại tác dụng bảo vệ này.
Nhiều loài cá có chứa hàm lượng parvalbumin cao như cá trích, cá tuyết, cá đỏ, cá chép, cá hanh đỏ và cá hồi Sockeye. Tuy nhiên, hàm lượng thay đổi theo mùa.
Theo PGS Nathalie Scheers, Đại học Công Nghệ Chalmers:
“Cá thường giàu dinh dưỡng hơn vào cuối mùa hè bởi thời điểm này có sự gia tăng hoạt động trao đổi chất. Hàm lượng parvalbumin trong cá cao hơn nhiều sau khi chúng tiếp xúc với ánh nắng, do đó có thể tăng tiêu thụ trong mùa thu.”
MỘT PHÁT HIỆN RẤT CẦN THIẾT
Bởi vì sự tích tụ của loại protein này phổ biến trong một số bệnh thoái hóa thần kinh, nên các nhà nghiên cứu đang tập trung nhiều hơn nữa để tìm hiểu hoạt động của parvalbumin.
Hai phát hiện đáng chú ý là :
Thứ nhất, đã tìm ra một phân tử khác có thể giúp chống lại các tình trạng thoái hóa thần kinh;
Thứ hai, đã tìm ra một cơ chế hoạt động mới sẽ là đích tác dụng của thuốc sau này.
Giáo sư Wittung-Stafshede giải thích tầm quan trọng của nghiên cứu này và các nghiên cứu tương tự khác như sau :
“Những căn bệnh này thường đi kèm với tuổi tác và con người thì ngày càng sống lâu hơn. Sẽ có sự bùng nổ những căn bệnh này trong tương lai và điều đáng lo ngại là hiện tại chúng ta không có phương pháp điều trị. Vì vậy, chúng ta cần quan tâm đến mọi giải pháp có nhiều điều hứa hẹn.”
Các nhà nghiên cứu từ trường đại học này đã có phương pháp nghiên cứu cách vận chuyển parvalbumin từ cá trích vào trong mô của con người.
Mặc dù nghiên cứu này vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, nhưng nó thật sự rất thú vị.
SV Dịch: SVD3: Võ Đức Trí – SVD5: Nguyễn Thị Trà Giang