Cảm lạnh thông thường là tình trạng phổ biến trong cộng đồng với nhiều triệu chứng kèm theo. Thông thường nó là một nhiễm trùng virus cấp tính, tự giới hạn ở đường hô hấp trên, xảy ra nhiều nhất do rhinovirus. Các triệu chứng bao gồm ho, nghẹt mũi, sốt nhẹ, mệt mỏi thường xuất hiện từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 2 sau khi phơi nhiễm với tác nhân gây bệnh. Thường thì hầu hết các triệu chứng giảm dần trong vòng 7 đến 10 ngày, cũng có một vài triệu chứng có thể kéo dài đến 3 tuần. Nguy cơ mắc cảm lạnh giảm dần khi tuổi càng tăng. Các dữ liệu cho thấy trong một năm trẻ em thường mắc cảm lạnh 6 – 8 lần, người lớn dưới 60 tuổi thường mắc 2 -4 lần và người trên 60 tuổi thường chỉ mắc 1 lần. Ngoài vấn đề tuổi tác, nhiều yếu tố như stress, thiếu ngủ cũng làm gia tăng nguy cơ mắc cảm lạnh. Cảm lạnh không để lại chứng bệnh hay biến chứng nghiêm trọng trong hầu hết các trường hợp, nhưng cảm lạnh làm phức tạp các tình trạng bệnh lý kèm theo đối với những bệnh nhân có mắc các bệnh như hen, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phổi.
Cảm lạnh thông thường hay bị nhầm lẫn với cúm. Cúm do virus cúm gây ra, được phân thành các type A,B,C. Type A,B thường gây bệnh trên người, nhưng type A biểu hiện nhiều triệu chứng hơn. Virus cúm có thể nguy hiểm với người lớn tuổi khi mà đã có sự giảm sút về hệ thống miễn dịch. Cơ thể khi mắc cúm cảm thấy ốm yếu hơn khi mắc cảm lạnh và thông thường dấu hiệu, triệu chứng thì rõ ràng hơn như sốt >102oF (> 38.8oC), ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, khó chịu.( Bảng 1)
Bảng 1
PHÂN BIỆT CẢM LẠNH THÔNG THƯỜNG VÀ CÚM | ||
Triệu chứng | Cảm lạnh thông thường | Cúm |
Sốt <100oF (<37.7oC) | Không hoặc nhẹ | Cao (38.8OC- 40oC) |
Đau đầu | Thỉnh thoảng | Thường xuyên |
Cơ thể nhức mỏi | Không thường xuyên | Hầu như luôn có |
Mệt mỏi | Nghiêm trọng | Nhẹ |
Nghẹt mũi | Phổ biến | Thỉnh thoảng |
Hắt hơi | Rất phổ biến | Thỉnh thoảng |
Đau họng | Phổ biến | Thỉnh thoảng |
Ho | Nhẹ và có đờm | Phổ biến, không đờm và có thể nghiêm trọng |
Cảm lạnh thông thường là lí do hàng đầu của việc nghỉ học và làm việc trong suốt những tháng mùa đông. Chưa có phương pháp điều trị nguyên nhân nào được tìm thấy. Nhiều bệnh nhân tìm mua thuốc không cần kê đơn chỉ để làm giảm triệu chứng, dẫn đến chi tiêu hàng năm cho các chế phẩm thuốc ho và cảm lạnh lên đến 8 tỉ đô.
Vì cảm lạnh thông thường là do nhiễm virus, do đó không nên sử dụng kháng sinh. Điều trị được giới hạn trong việc làm giảm triệu chứng và bệnh nhân thường sẽ đến nhà thuốc để hỏi về biện pháp điều trị OTC ( thuốc không cần kê đơn). Một chú ý quan trọng là sử dụng thuốc không cần kê đơn cho trẻ em dưới 2 tuổi có thể gây nguy hiểm; năm 2008, FDA khuyến cáo tránh sử dụng thuốc chữa ho và cảm lạnh OTC cho trẻ em dưới 2 tuổi. Từ đó đến nay, các nhà sản xuất đã thay đổi nhãn của thuốc chữa ho và cảm lạnh, nêu rõ “không dùng cho trẻ dưới 4 tuổi”. Đối với trẻ từ 4 đến 6 tuổi thì những bằng chứng lâm sàng chứng minh hiệu quả của thuốc không kê đơn điều trị cảm lạnh thông thường còn hạn chế.
Có rất nhiều chế phẩm có sẵn phù hợp để làm giảm triệu chứng khi mắc cảm lạnh. Trước khi dược sĩ tư vấn, nên đánh giá bệnh nhân để xác định xem dược sĩ có khả năng tự điều trị cho bệnh nhân hay không (Bảng 2). Các thuốc làm giảm triệu chứng bao gồm thuốc kháng histamin, thuốc thông mũi, thuốc long đờm, thuốc ức chế ho, thuốc hạ sốt, giảm đau có thể sử dụng đơn trị liệu hoặc kết hợp.
Bảng 2
Loại trừ khả năng tự điều trị
· Sốt >38.6oC · Đau ngực · Khó thở · Bệnh lí tim phổi mãn tính (hen, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, suy tim sung huyết) · AIDS hay liệu pháp ức chế miễn dịch kéo dài · Có đờm màu vàng, xanh lá cây, nâu đỏ hay mủ · Hít phải dị vật · Thuốc liên quan đến ho · Trẻ em dưới 6 tuổi
|
LIỆU PHÁP SỬ DỤNG THUỐC
Thuốc làm thông mũi
Thuốc làm thông mũi tác động toàn thân hay tại chỗ được xem là thích hợp cho những bệnh nhân bị nghẹt mũi. Những thuốc thông mũi đồng vận hệ giao cảm (adrenergic) gây co mạch, dẫn đễn giảm sự ứ máu ở mao mạch và phù nề niêm mạc. Phenylephrine và pseudoephedrine là hai thuốc thông mũi OTC có tác động toàn thân. Những thuốc thông mũi tại chỗ ở dạng xịt bao gồm thuốc có tác dụng ngắn như ephedrin, naphazoline, phenylephrine và thuốc tác dụng dài như oxymetazoline.
Nhiều liều thuốc thông mũi có vẻ như là cứu trợ cho những bệnh nhân bị nghẹt mũi do cảm lạnh thông thường. Pseudoephedrin đường uống xem ra có hiệu quả giảm nghẹt mũi tốt hơn phenylephrine. Một nghiên cứu đánh giá hiệu quả làm giảm nghẹt mũi của phenylephrine và pseudoephedrine so với giả dược. Hiệu quả của phenylephrine khác biệt không có ý nghĩa so với giả dược; trong khi đó pseudoephedrine được phát hiện có hiệu quả vượt trội hơn hẳn so với cả giả dược và phenylephrin. Hiệu quả điều trị kém hơn có thể một phần do hệ thống chuyển hóa của phenylephrine rộng dẫn đến sinh khả dụng thấp. Mặc dù pseudoephedrine luôn sẵn có và là thuốc không cần kê đơn, nhưng theo các quy định của tiểu bang và liên bang yêu cầu đưa thuốc này ra sau quầy dược phẩm vì pseudoephedrin có vai trò trong sản xuất trái phép methamphetamine. Có nhiều dạng bào chế mới của pseudoephedrine giúp ngăn chặn hoạt động trái phép này nhưng đồng thời không gây tác động bất lợi đến đặc tính chống sung huyết của sản phẩm.
Thuốc thông mũi tác dụng tại chỗ cũng làm giảm nghẹt mũi. Những thuốc này chỉ có hiệu quả cục bộ ở niêm mạc mũi và hạn chế hấp thu vào tuần hoàn hệ thống nên tác dụng phụ ít hơn. Một nghiên cứu đánh giá hiệu quả của thử nghiệm đơn liều oxymetazoline cho thấy thuốc này làm giảm các tác nhân cản trở đường thở ở mũi và triệu chứng nghẹt mũi trong vòng 1 giờ và hiệu quả kéo dài lên đến 7 giờ. Việc sử dụng thuốc thông mũi tác dụng tại chỗ nên được giới hạn trong khoảng từ 3 đến 5 ngày để tránh tình trạng tắc nghẽn trở lại, hay còn được gọi là viêm mũi do dùng thuốc (rhinitis medicamentosa).
Các thuốc thông mũi tương đối an toàn nếu được sử dụng phù hợp, nhưng việc sử dụng chúng có liên quan đến nhiều tác dụng phụ do tác động trực tiếp lên thụ thể adrenergic và kích thích lên hệ thần kinh trung ương (CNS). Những tác dụng phụ thường gặp như mất ngủ, huyết áp tăng, bồn chồn, lo âu, tim đập nhanh, đánh trống ngực, loạn nhịp tim, ảo giác và rối loạn chức năng đường tiết niệu. Những thuốc này nên tránh sử dụng cho những bệnh nhân có bệnh lí về tim, cao huyết áp, bệnh lí về tuyến giáp, đái tháo đường, và phì đại tuyến tiền liệt lành tính (BPH). Không nên dùng thuốc thông mũi cho bệnh nhân đang sử dụng thuốc ức chế monoamino oxidase, vì sự kết hợp này làm huyết áp tăng cao có thể đe dọa đến tính mạng.
Thuốc kháng histamin
Thuốc kháng histamin có thể được xem xét chỉ định giúp làm giảm chảy nước mũi, ngứa, chảy nước mắt và hắt hơi do cảm lạnh thông thường. Thuốc kháng histamin thế hệ đầu gồm: brompheniramine, chlorampheniramine và clemastine, được ưa chuộng hơn thuốc kháng histamin thế hệ thứ 2 trong việc kiểm soát các triệu chứng trên. Thuốc kháng histamine thế hệ thứ 2 như cetirizine, fexofenadine và loratadine không qua được hàng rào máu não; hiệu quả của các thuốc kháng histamin thế hệ đầu do tác động của chúng lên thụ thể hệ histaminic và thụ thể hệ mucarinic trong tủy sống. Các thuốc kháng histamin thế hệ đầu được chứng minh có tác dụng ngắn chống chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi khi sử dụng liệu pháp đơn trị liệu, nhưng có vẻ có lợi hơn khi kết hợp với các thuốc khác như thuốc thông mũi và thuốc giảm đau.
Thuốc kháng histamine thế hệ đầu có liên quan đến nhiều tác dụng phụ do khả năng tác động lên các thụ thể histamine của hệ thần kinh trung ương. Những thuốc này có thể gây buồn ngủ, ngủ mê, ngủ gà và mệt mỏi, chúng nên được sử dụng thận trọng ở những bệnh nhân cần sự tỉnh táo. Chúng cũng có thể làm giảm khả năng nhận thức, trí nhớ, hoạt động thần kinh.17,21 Thêm vào đó, thuốc kháng histamin thế hệ đầu còn liên quan đến tác dụng kháng hệ cholinergic không mong muốn như khô mắt, bí tiểu , táo bón và giãn đồng tử. Thuốc kháng histamin không nên sử dụng cho những bệnh nhân tăng nhãn áp góc đóng hoặc phì đại tuyến tiền liệt lành tính (BPH).
Thuốc trị ho
Nhiều chế phẩm OTC trị cảm lạnh có chứa dextromethorphan, là một thuốc trị ho, loại bỏ cơn ho thường có liên quan đến chứng cảm lạnh thông thường và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác. Mặc dù có sẵn dạng chế phẩm đơn hoạt chất, dextromethorphan cũng có sẵn dạng kết hợp với các hoạt chất khác trong những chế phẩm trị cảm lạnh đa triệu chứng và cảm cúm. Nhiều nghiên cứu đánh giá hiệu quả của các sản phẩm này đã được tiến hành nhưng bị giới hạn bởi quy mô mẫu nhỏ, thiết kế nghiên cứu chưa tốt, hoặc có sự thay đổi về liều lượng và tần suất sử dụng thuốc. Mặc dù một số nhận xét cho thấy dextromethorphan có thể có hiệu quả trong điều trị ho cấp tính dựa trên nghiên cứu số lần ho, số khác cho rằng không có bằng chứng mạnh mẽ cho nhận xét trên nhưng cũng không phản đối việc sử dụng các chất này trong điều trị ho. Khi dùng quá liều, dextromethorphan có khả năng gây ảo giác tương tự như phencyclidine và ketamine; điều này dẫn đến trong cộng đồng một vài người đã lạm dụng nó. Dữ liệu giám sát cho thấy tỷ lệ cao nhất của lạm dụng dextromethorphan xảy ra vào năm 2006, với ước tính 17,6/1 triệu trường hợp. Sử dụng liều cao dextromethorphan gây tác dụng sinh lý tiềm ẩn bao gồm (không phải tất cả): nhịp tim nhanh, thay đổi trạng thái tinh thần, tăng huyết áp, động kinh, hôn mê, và ngừng hô hấp, ngừng tim. Việc lạm dụng chất này đã dẫn đến nhiều tiểu bang ban hành pháp luật cấm bán dextromethorphan cho trẻ vị thành niên.
Thuốc long đờm
Thuốc long đờm là những chất thường được sử dụng để làm giảm độ nhớt và thể tích đờm do bệnh nhân bị các chứng bệnh đường hô hấp khác nhau. Guaifenesin là thuốc long đờm duy nhất được FDA chấp thuận và được tìm thấy trong một loạt các biện pháp khắc phục để giảm triệu chứng ho cấp tính (acute cough), ho không hiệu quả (ineffective cough), ho có đờm (productive cough). Mặc dù guaifenesin đã có sẵn trong các chế phẩm OTC trong nhiều thập kỷ, nhưng hiệu quả long đờm của nó trong điều trị cảm lạnh và cảm cúm vẫn tiếp tục được đặt dấu chấm hỏi. Tổng quan Cochrane năm 2014 về các sản phẩm điều trị ho và cảm lạnh không tìm thấy bất kỳ bằng chứng lâm sàng nào ủng hộ hiệu quả lâm sàng của thuốc một mình hoặc kết hợp. Mặc dù thiếu các thử nghiệm chứng minh lợi ích lâm sàng, guaifenesin vẫn tiếp tục được quảng cáo như là một thuốc long đờm hiệu quả trong số các sản phẩm OTC. Thuốc được xem là tương đối an toàn và không liên quan đến bất kỳ tương tác thuốc có ý nghĩa lâm sàng nào. Khi sử dụng ở liều khuyến cáo, thuốc được dung nạp tương đối tốt, không dung nạp ở đường tiêu hóa là tác dụng phụ thường gặp nhất được báo cáo.
Thuốc giảm đau
Thuốc hạ sốt và giảm đau OTC như aspirin, acetaminophen, ibuprofen, và naproxen thường được sử dụng trong việc kiểm soát chứng đau phổ biến, đau đầu và sốt liên quan đến bệnh cảm lạnh thông thường và các bệnh virus khác. Mặc dù các thuốc này thường được coi là hiệu quả như nhau trong việc kiểm soát các triệu chứng nói trên, chúng vẫn nên được sử dụng một cách thận trọng vì có liên quan đến một số tác dụng phụ. Bệnh nhân bị dị ứng với aspirin và những người bị loét dạ dày – tá tràng (active ulcers) có thể không nên lựa chọn aspirin hoặc các thuốc chống viêm không steroid có liên quan (NSAIDs). Thêm vào đó, một nghiên cứu gần đây cho thấy bệnh nhân sử dụng NSAIDs trong trường hợp nhiễm trùng hô hấp cấp tính làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cấp tính gấp 3 lần.
Phòng ngừa
Ngăn chặn sự lây lan của virus cảm lạnh thông thường là phương pháp chính để giảm nguy cơ bị cảm lạnh. Dược sĩ nên tư vấn cho bệnh nhân sử dụng các phương pháp khác nhau để làm giảm nguy cơ bị cảm lạnh. Các biện pháp vệ sinh tốt bao gồm rửa tay thường xuyên bằng xà bông và nước ít nhất 20 giây; tay chưa rửa tránh chạm mặt, mắt, mũi và miệng; và tránh tiếp xúc với người bị bệnh.
KẾT LUẬN
Bệnh nhân bị cảm lạnh thường dựa vào các sản phẩm OTC để kiểm soát các triệu chứng của họ. Dược sĩ đóng một vai trò vô cùng quan trọng, giáo dục và tư vấn nhằm đảm bảo việc sử dụng thuốc OTC an toàn và hợp lý. Điều quan trọng là phải đánh giá đúng bệnh nhân để xác định xem dược sĩ có khả năng tự điều trị cho bệnh nhân hay không. Cũng cần phải tư vấn cho bệnh nhân để đảm bảo rằng họ hiểu các tác dụng phụ tiềm ẩn, tương tác thuốc và các cảnh báo liên quan đến bất kỳ loại thuốc nào.
Nguyên nhân gây cảm lạnh thông thường?
Cảm lạnh thông thường gây ra bởi virus. Có nhiều virus được phát hiện là nguyên nhân của cảm lạnh, nhưng phổ biến nhất là rhinovirus. Cảm lạnh lây truyền từ người sang người. Bạn có thể bị cảm lạnh do lây nhiễm từ một người khác đã bị nhiễm. Điều này có thể xảy ra do chạm vào bề mặt bị nhiễm virus hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm virus.
Các triệu chứng?
Cảm lạnh thông thường thường gây nghẹt mũi, chảy nước mũi, và hắt hơi. Bạn cũng có thể bị đau cổ họng, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi; và bạn có thể bị sốt nhẹ. Nếu có ho thì thường xảy ra vào ngày thứ tư hoặc thứ năm.
Có thể làm gì nếu bị cảm lạnh?
• Uống nhiều chất lỏng
• Nghỉ ngơi nhiều
• Làm ẩm không khí
Có phương pháp điều trị cảm lạnh nào không?
Không có cách nào để chữa bệnh cảm lạnh thông thường, nhưng có nhiều loại thuốc có thể giúp làm giảm một số triệu chứng. Trước khi sử dụng bất kỳ thuốc nào, bạn nên nói chuyện với nhà cung cấp dịch vụ y tế, đặc biệt nếu bạn bị cao huyết áp, bệnh tim, tiểu đường, tăng nhãn áp, phì đại tuyến tiền liệt, hoặc dị ứng với aspirin.
Nghẹt mũi: Thuốc thông mũi đường uống như pseudoephedrine và phenylephrine có thể làm giảm nhẹ triệu chứng nghẹt mũi. Nếu bạn sử dụng thuốc thông mũi dạng xịt, điều quan trọng là bạn không được sử dụng quá 3 ngày.
Chảy nước mũi: Thuốc kháng histamine có thể giúp giảm bớt.
Sốt, đau họng / nhức đầu / đau cơ thể: Sử dụng thuốc giảm đau nhẹ như acetaminophen hoặc thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen hoặc naproxen.
Ho: Các thuốc thông thường bao gồm guaifenesin và dextromethorphan.
Làm thế nào để có thể ngăn ngừa cảm lạnh?
Ngăn chặn sự lây lan của virus cảm lạnh là cách tốt nhất để ngăn ngừa sự lây lan của cảm lạnh.
• Tránh tiếp xúc với người bị nhiễm nếu có thể
• Tạo thói quen và kỹ thuật rửa tay tốt, chẳng hạn như rửa tay ít nhất 20 giây sau khi chạm vào các bề mặt, trước khi chuẩn bị bữa ăn, khi ăn, và trước khi chạm vào mặt, mắt, mũi hoặc miệng
• Dùng dụng cụ khử trùng tay khi không thể rửa tay
• Không dùng chung đồ đựng thức ăn hay đồ uống
• Hắt hơi hoặc ho vào mặt trong khuỷu tay và dùng khăn giấy. Rửa tay ngay sau đó
• Tránh chạm tay vào mặt và chạm vào các bề mặt bị nhiễm bẩn
• Nhà có nhiều phòng tắm thì người bệnh chỉ sử dụng một phòng tắm duy nhất
Nhóm dịch: SVD4. Nguyễn Thị Trà Giang – SVD3. Nguyễn Thị Hương Giang, Lê Nguyễn Thành
Nguồn: https://www.uspharmacist.com/article/the-common-cold-a-review-of-otc-options