Trong các biến chứng nguy hiểm của bệnh Đái tháo đường, biến chứng bàn chân là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cắt cụt chi không do chấn thương. Chính vì vậy, việc cung cấp những kiến thức về tự chăm sóc sức khỏe, chăm sóc bàn chân và giáo dục vệ sinh bàn chân hợp lý thực sự cần thiết trong công tác bảo vệ sức khỏe ở bệnh nhân đái tháo đường. Biến chứng bàn chân đái tháo đường bao gồm một loạt các biểu hiện như biến dạng ngón chân cái, các vết chai sần, chai cục, nhiễm nấm da, biến dạng bàn chân như bàn chân Charcot, biến chứng loét và nhiễm trùng. Sự xuất hiện của bệnh lý mạch máu ngoại biên và các bệnh lý thần kinh làm cản trở tuần hoàn xuống chi dưới, làm tăng nguy cơ biến chứng loét bàn chân và cắt cụt chi ở bệnh nhân đái tháo đường.
Biến chứng bàn chân đái tháo đường có thể làm gia tăng đáng kể bệnh suất và tử suất, làm tăng chi phí điều trị và làm giảm chất lượng cuộc sống. Theo một nghiên cứu thống kê, loét bàn chân thường xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường, ước tính tỷ lệ mắc vào khoảng 7,7% so với tỷ lệ 2,8% ở bệnh nhân không bị đái tháo đường.Hơn nữa, ước tính bệnh nhân đái tháo đường chiếm hơn một nửa các trường hợp cắt cụt chi không do chấn thương.
Mặc dù đã có những con số thống kê như trên, tuy nhiên hiện nay, số bệnh nhân được thăm khám bàn chân hằng năm bởi các bác sĩ chuyên khoa vẫn còn dưới 100%, điều này cho thấy tầm quan trọng của việc tăng cường các biện pháp dự phòng nhằm giảm thiểu các nguy cơ dẫn đến biến chứng bàn chân đái tháo đường.
Đánh giá nguy cơ
Dược sĩ và các nhân viên y tế nên thận trọng và tận dụng mọi cơ hội để giáo dục bệnh nhân đái tháo đường trong việc chăm sóc và bảo vệ bàn chân hợp lý, trước hết cần bắt đầu bằng việc xác định những bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao. Bảng 1 mô tả những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến loét bàn chân hoặc cắt cụt chi ở bệnh nhân đái tháo đường; việc xác định những yếu tố nguy cơ nhằm đưa ra những can thiệp và lời khuyên hữu ích cho bệnh nhân.
Kiểm soát đường huyết kém, bệnh lý mạch máu ngoại biên và giảm tưới máu đến chi dưới dẫn đến những hậu quả như các thay đổi trên da, viêm loét và chậm lành vết thương. Tổn thương thần kinh làm cho người bệnh dần mất đi khả năng nhận cảm áp lực và cảm giác đau. Như vậy, các yếu tố nguy cơ dẫn đến biến chứng bàn chân đái tháo đường trước hết phải được phát hiện và sau đó phải được kiểm soát một cách chặt chẽ trên lâm sàng.
BẢNG 1. NHỮNG YẾU TỐ NGUY CƠ DẪN ĐẾN BIẾN CHỨNG BÀN CHÂN Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG | |
Yếu tố nguy cơ | Hậu quả |
Kiểm soát đường huyết kém | Đường huyết tăng cao một cách không kiểm soát trong thời gian dài góp phần làm tổn thương các mạch máu nhỏ, bao gồm các mạch máu thần kinh và tuần hoàn, gây mất cảm giác đau cũng như mất khả năng chữa lành các vết loét. |
Bệnh động mạch ngoại biên | Chức năng tuần hoàn suy giảm có thể dẫn đến phá hủy hàng rào bảo vệ da và hình thành nên các vết loét, làm chậm quá trình chữa lành vết thương. |
Tiền sử các bệnh lý về bàn chân, biến dạng hoặc cắt cụt chi | Tiền sử loét bàn chân có thể làm tăng nguy cơ biến chứng bàn chân; bệnh nhân biến dạng bàn chân có nguy cơ cao bị loét hoặc cắt cụt chi. |
Bệnh lý thần kinh ngoại vi | Tổn thương thần kinh có thể dẫn đến mất khả năng cảm nhận cảm giác đau hoặc áp lực, từ đó dễ hình thành các vết chai sần, chai cục, tổn thương không rõ nguyên nhân, hủy hoại xương và khớp chân. |
Suy giảm thị lực | Bệnh nhân có thể không có khả năng tự chăm sóc bàn chân một cách đầy đủ để làm giảm nguy cơ loét. |
Hút thuốc lá | Hút thuốc góp phần làm gia tăng bệnh động mạch ngoại biên và gây cản trở tuần hoàn đến các chi dưới. |
Nguồn: Microvascular complications and foot care. Diabetes Care. 2015;38(sup-pl):S58-S66.doi: 10.2337/dc15-S012.
Dịch: CLB sinh viên Dược lâm sàng – Trường ĐHYD Huế |
Giảm thiểu các yếu tố nguy cơ và giáo dục bệnh nhân
Từ rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến các biến chứng bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường như đã nêu ở trên cho thấy, việc giáo dục bệnh nhân nên được chú trọng và ưu tiên hàng đầu. Dược sĩ nên nhấn mạnh cho tất cả các bệnh nhân rằng, việc kiểm soát những yếu tố nguy cơ có thể giảm thiểu đáng kể nguy cơ phát triển các biến chứng bàn chân đái tháo đường. Thậm chí ngay cả khi những biến chứng đã xuất hiện, việc can thiệp sớm có thể làm giảm tình trạng loét, nguy cơ cắt cụt chi cũng như những hậu quả nghiêm trọng khác. Bảng 2 tóm tắt các điểm cần nhấn mạnh với bệnh nhân đái tháo đường và có các biến chứng bàn chân.
BẢNG 2. NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý TRONG VIỆC GIÁO DỤC BỆNH NHÂN NHẰM GIẢM THIỂU NGUY CƠ BIẾN CHỨNG BÀN CHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG |
Kiểm soát đường huyết – Duy trì mức đường huyết gần với mục tiêu mà bác sĩ của bạn đưa ra có thể làm giảm các biến chứng bàn chân và các biến chứng khác của đái tháo đường. |
Từ bỏ thói quen hút thuốc lá – Hút thuốc lá làm giảm sự tưới máu xuống chi dưới, làm tăng nguy cơ xuất hiện các vết loét và nhiều biến chứng nghiêm trọng khác. |
Bảo vệ bàn chân của bạn – Tránh các tình huống có thể làm tăng nguy cơ tổn thương bàn chân (ví dụ đi chân không, tiếp xúc với nước nóng, sử dụng tấm sưởi chân ấm), thậm chí một vết xước hay vết đứt nhỏ cũng có thể gây ra nguy cơ đáng kể; luôn mang giày hoặc dép để bảo vệ bàn chân. |
Kiểm tra bàn chân hàng ngày – Quan sát đôi bàn chân của bạn và luôn chú ý đến bất cứ vết đứt, vết rộp da, bất thường ở móng hay các thay đổi trên da; sử dụng gương soi để kiểm tra lòng bàn chân dễ dàng hơn nếu cần thiết. |
Đến gặp các chuyên gia y tế – Thăm khám bàn chân định kỳ hằng năm, đến gặp các chuyên gia chữa bệnh về chân để được hướng dẫn chăm sóc móng và các thủ thuật khác nếu cần thiết. |
Vệ sinh hàng ngày – Ngâm hoặc rửa bàn chân bằng nước ấm hàng ngày; lau khô cẩn thận, đặc biệt ở vùng kẽ chân; thoa kem dưỡng ẩm, ngoại trừ vùng kẽ chân. |
Giày dép và tất chân – Hàng ngày, nên mang tất ( loại vải cotton) sạch, khô và thoải mái; đảm bảo giày dép phải vừa chân; sử dụng các loại giày dép dành riêng cho bệnh nhân đái tháo đường nếu bệnh nhân đã có các vết chai sần hoặc bàn chân bị biến dạng. |
Nguồn:
· Preventive foot care in diabetes. Diabetes Care. 2004;27(suppl1):S63-S64.doi: 10.2337/diacare.27.2007.S63. · Diabetic foot care guidelines. American College of Foot and Ankle Surgeons website. acfas.org/footankleinfo/diabetic-guidelines.htm. Accessed August 20, 2017. Dịch: CLB sinh viên Dược lâm sàng – Trường ĐHYD Huế |
Tối đa hóa việc kiểm soát đường huyết
Kiểm soát đường huyết kém có thể dẫn đến một số biến chứng, bao gồm rối loạn tuần hoàn mạch máu ngoại vi và sự phát triển của các bệnh lý về thần kinh. Do vậy, cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự theo dõi đường huyết tại nhà, tuân thủ liệu trình sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường, tuân thủ các khuyến cáo về thay đổi chế độ ăn uống hoặc chế độ giảm cân để làm giảm nguy cơ biến chứng bàn chân đái tháo đường và các biến chứng mạch máu nhỏ khác.
Tự kiểm tra bàn chân
Khuyến khích bệnh nhân đái tháo đường tự kiểm tra bàn chân mỗi ngày, chú ý đến các vết chai sần, vết loét và những thay đổi trên da hoặc móng để có thể xử lí kịp thời ngăn cho chúng không trở nên quá trầm trọng. Sử dụng kính lúp, hoặc gương kiểm tra (một cái gương nhỏ có tay cầm dài, phần chuôi gương gắn vào cần ở dạng bản lề nên có thể gập vào một góc hoặc duỗi thẳng gương ra với tay cầm để có thể soi vào những vị trí khuất mà bình thường nếu không có nó thì mắt người không tiếp cận được), hoặc đơn giản có thể dùng một gương nhựa đặt ở trên nền nhà bên cạnh toilet có thể giúp bệnh nhân kiểm tra bàn chân một cách toàn diện, ngay cả những nơi khó quan sát như lòng bàn chân.
Bảo vệ bàn chân
Bệnh nhân đái tháo đường nên được giáo dục không được đi chân đất ngay cả khi đi trong nhà, bởi những tổn thương tưởng chừng như không đáng kể cũng có thể bị nhiễm trùng và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Mang tất chân vừa vặn để không làm cản trở sự lưu thông của dòng máu đến chân; những đôi giày hay sneaker, dép lê hay thậm chí dép đi trong nhà cũng cần phải mang vừa chân.
Chăm sóc và vệ sinh móng, bàn chân
Nhắc nhở bệnh nhân rửa sạch chân bằng nước ấm mỗi ngày và lau khô cẩn thận bằng cách thấm hay vỗ nhẹ, chú ý lau khô vùng kẽ chân. Bệnh nhân có thể sử dụng kem dưỡng ẩm để ngăn ngừa khô da và nứt nẻ, tuy nhiên không nên bôi ở vùng kẽ chân vì sẽ tạo điều kiện cho nấm phát triển.
Để hạn chế trường hợp móng chân mọc quặp, bệnh nhân nên cắt móng chân một cách cẩn thận theo đường ngang và không nên cắt quá ngắn. Nếu bệnh nhân gặp khó khăn trong việc tự cắt móng chân hoặc đang có các vết chai sần có thể tìm đến các bác sĩ chuyên chữa bệnh về chân để được tư vấn.
Từ bỏ thói quen hút thuốc lá
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý mạch máu ngoại biên và các biến chứng khác, bao gồm các biến chứng bàn chân đái tháo đường như loét, nhiễm trùng và cắt cụt chi. Bệnh nhân có thể cai thuốc lá bằng cách thay thế thuốc lá bằng thuốc nicotine OTC hoặc các thuốc kê đơn được chấp nhận khác.
Thăm khám bàn chân định kỳ hàng năm
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), tất cả bệnh nhân trưởng thành mắc đái tháo đường nên được thăm khám bàn chân toàn diện hàng năm bởi các bác sĩ chuyên khoa để phát hiện các yếu tố nguy cơ. Cụ thể, bác sĩ nên thu thập tiền sử của bệnh nhân một cách tổng thể, trong đó bao gồm tiền sử về loét hay cắt cụt chi, các triệu chứng về rối loạn thần kinh và bệnh mạch máu ngoại biên, giảm thị lực, bệnh thận, sử dụng thuốc lá và thực hành chăm sóc bàn chân. Kiểm tra thị lực, da, mạch chân và kiểm tra chức năng thần kinh bằng test monofilament cũng nên được thực hiện.
Kết luận
Giáo dục bệnh nhân và đồng thời hiểu rõ về mối liên quan giữa tăng đường huyết, bệnh lý mạch máu ngoại biên, bệnh lý thần kinh ngoại vi và biến chứng bàn chân là rất cần thiết để làm giảm nguy cơ tổn thương bàn chân, loét hay cắt cụt chi. Dược sĩ có vai trò củng cố tầm quan trọng của việc thực hành chăm sóc và vệ sinh bàn chân ở bệnh nhân, các chiến lược quản lý bệnh lý thần kinh và kiểm soát đường huyết để đảm bảo chăm sóc bàn chân tốt hơn. Bên cạnh đó, dược sĩ cũng có thể chủ động nhắc nhở bệnh nhân đái tháo đường về vai trò của việc kiểm tra sức khỏe bàn chân định kì, ít nhất mỗi năm một lần và nên thăm khám thường xuyên hơn nếu có tổn thương thần kinh.
Người dịch: SVD3. Hồ Ngọc Lan Anh, Võ Đức Trí – SVD4. Phạm Thị Như Quỳnh, Trần Thị Thu Thảo
Nguồn: Mary Bridgeman, PharmD, BCPS, BCGP. Diabetic Foot Care. October 13, 2017. Pharmacy Times