NGUY CƠ THIẾU HỤT VITAMIN D Ở TRẺ SƠ SINH VÀ TRẺ NHỎ
Tại sao Vitamin D lại quan trọng?
Vitamin D là chất dinh dưỡng thiết yếu và nó có nhiều vai trò trong cơ thể chúng ta. Ví dụ, nó giúp điều chỉnh lượng Canxi trong cơ thể.
Bạn cần vitamin D để giúp xương và răng chắc khỏe. Nếu không đủ chất này, xương của bạn có thể trở nên mỏng, yếu hoặc biến dạng.
Vitamin D cũng rất quan trọng trong sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Xương của trẻ cần nhiều vitamin và khoáng chất để hỗ trợ trẻ phát triển nhanh chóng. Ngoài việc giữ cho xương khỏe mạnh, Vitamin D còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, tim, não và các cơ quan khác của trẻ.
Em bé cần bao nhiêu vitamin D ?
Bắt đầu từ những ngày đầu đời, con bạn cần được cung cấp 400 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D mỗi ngày.
Sữa mẹ chỉ chứa khoảng 5-80 IU/L, do đó việc bổ sung 400 IU vitamin D mỗi ngày dạng nhỏ giọt được khuyến cáo cho tất cả trẻ sơ sinh bú sữa mẹ. Việc bổ sung bao gồm cả những trẻ uống sữa mẹ và trẻ uống sữa bột công thức.
Vitamin D dạng nhỏ giọt được bán tại các quầy. Bạn có thể nhờ bác sĩ nhi khoa đề xuất các nhãn hiệu nên dùng. Nhớ đọc nhãn để biết cần bao nhiêu giọt cho trẻ.
Bạn có thể quyết định cai sữa mẹ cho con mình và chỉ dùng sữa bột công thức có chứa vitamin D. Nếu vậy thì không cần thiết bổ sung thêm vitamin D khi con bạn uống ít nhất 1 lít sữa công thức mỗi ngày. Tất cả các loại sữa công thức được bán ở Hoa Kỳ đều chứa ít nhất 400 IU vitamin D trong mỗi lít sữa.
Sau khi cai sữa mẹ cho trẻ, hãy cho trẻ uống sữa có bổ sung vitamin D.
Nguyên nhân nào gây ra sự thiếu hụt vitamin D?
Nguồn cung cấp vitamin D tốt nhất là ánh sáng mặt trời. Lượng ánh sáng mặt trời mà chúng ta cần để tạo ra đủ vitamin D phụ thuộc vào màu da, thời điểm ta ở ngoài trời trong ngày và thời gian trong năm.
Khi tia cực tím từ ánh sáng mặt trời chiếu vào da, nó sẽ kích hoạt cơ thể của bạn tổng hợp vitamin D. Khi vào cơ thể, vitamin D cần được hoạt hóa thông qua quá trình hydroxyl hóa.
Sự thiếu hụt vitamin D thường là do không nhận đủ ánh sáng mặt trời.
Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú thường không nhận đủ vitamin D để cung cấp cho cả mẹ và em bé. Đây là lí do tại sao với những trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn thì nguy cơ thiếu hụt vitamin D cao hơn. Sữa mẹ chứa rất ít vitamin D.
Điều gì khiến bạn có nguy cơ thiếu hụt vitamin D?
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến việc thiếu hụt vitamin D bao gồm:
- Tránh ánh sáng mặt trời hoặc dùng kem chống nắng:
Mặc dù nhận nhiều ánh sáng mặt trời có lợi cho sự tổng hợp vitamin D, nhưng ngày nay nhiều người đang tránh tiếp xúc với ánh nắng quá nhiều hoặc sử dụng kem chống nắng vì tiếp xúc nhiều với ánh nắng làm tăng nguy cơ ung thư da.
Ung thư da là bệnh ung thư phổ biến ở Hoa Kỳ. Có một loại được gọi là u sắc tố ác tính, có thể gây tử vong.
Hầu hết các trường hợp ung thư da là do tiếp xúc với tia UV từ mặt trời. Tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời cũng dẫn đến lão hóa da.
- Mặc quần áo bảo hộ khi ra nắng
Mặc dù ánh sáng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D tốt nhất, nhưng bạn nên để bé tránh ánh nắng trực tiếp và cho bé mặc quần áo bảo vệ để tránh bị bỏng nắng. Vì vậy, con bạn cần nguồn cung cấp vitamin D khác để giúp bé khỏe mạnh.
- Sống trong những môi trường nhất định
Những người sống ở vĩ độ Bắc không nhận được nhiều ánh sáng mặt trời, đặc biệt trong suốt những tháng mùa đông. Vì lí do đó, khó có thể tạo đủ vitamin D.
Sống ở một khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao hoặc mây mù dày đặc có thể ảnh hưởng đến lượng vitamin D.
- Một số tình trạng sức khỏe nhất định
Các tình trạng sức khỏe nhất định, chẳng hạn như bệnh celiac, xơ nang, bệnh viêm ruột (IBD), có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu vitamin D.
- Không bổ sung đủ vitamin D trong chế độ ăn uống của bạn
Các nguồn cung cấp vitamin D tốt gồm cá béo và lòng đỏ trứng. Tuy nhiên, thực phẩm tự nhiên chứa rất ít vitamin D.
Vì vậy, vitamin D thường được thêm vào các thực phẩm và đồ uống, chẳng hạn như sữa. Quá trình này được gọi là sự tăng cường.
Ngay cả với các thực phẩm tăng cường, nhiều người vẫn không bổ sung đủ vitamin D. Những người ăn chay có nguy cơ bị thiếu hụt đặc biệt cao, bởi vì chế độ ăn của họ có thể không bao gồm cá, trứng và sữa.
- Có làn da sẫm màu
Da sẫm màu không phản ứng mạnh với ánh sáng mặt trời. Do đó, những người có làn da sẫm màu thường cần tiếp xúc với ánh nắng nhiều hơn để tạo ra lượng vitamin D tương đương với những người có làn da sáng hơn.
Trẻ sơ sinh da sẫm màu có nguy cơ cao bị thiếu vitamin D hoặc bệnh còi xương. Bởi vì những bà mẹ có làn da ngăm đen cũng thường thiếu vitamin D.
Theo một nghiên cứu năm 2014, việc cho con bú ở người Mỹ gốc Phi có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh còi xương dinh dưỡng cao hơn.
Bệnh còi xương là gì?
Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ không bổ sung đủ vitamin D sẽ có nguy cơ phát triển một tình trạng gọi là còi xương.
Trong bệnh còi xương, xương không được khoáng hóa. Điều này dẫn đến xương mềm và biến dạng xương chẳng hạn như chân vòng kiềng, cổ tay và mắt cá chân dày và xương ức nhô ra.
Nếu không được điều trị, bệnh còi xương còn có thể gây ra nhiều biến chứng, bao gồm:
- Co giật
- Chậm tăng trưởng
- Tầm vóc thấp
- Đờ đẫn
- Dễ mắc các nhiễm trùng đường hô hấp
- Cột sống cong
- Các vấn đề về nha khoa
- Dị tật xương
Các biến dạng xương trong bệnh còi xương có thể được chữa trị nếu trẻ bổ sung vitamin D càng sớm càng tốt. Một số trẻ sơ sinh có thể cần phải phẫu thuật để điều chỉnh các biến dạng xương.
Bắt đầu từ những năm 1930, người dân Hoa Kỳ đã bắt đầu bổ sung các sản phẩm bơ sữa có chứa vitamin D. Sự thay đổi này đã khiến bệnh còi xương trở thành một bệnh hiếm gặp, nhưng vẫn có một vài trường hợp mắc bệnh mỗi năm. Còi xương vẫn là mối quan tâm lớn về sức khỏe cộng đồng ở nhiều nước đang phát triển.
Những tình trạng nào khác liên quan đến sự thiếu hụt?
Kể từ khi các chuẩn đoán về sự thiếu hụt vitamin D ngày càng tăng lên, vai trò của nó với sức khỏe và bệnh tật trở thành trọng tâm của nhiều nghiên cứu. Sự thiếu hụt vitamin D được chứng minh là gây ra bệnh loãng xương.
Một loạt các tình trạng khác được nghi ngờ có liên quan đến sự thiếu hụt vitamin D, nhưng các nghiên cứu vẫn còn đang tiến hành. Những tình trạng này bao gồm:
- Các bệnh tự miễn, chẳng hạn bệnh đái tháo đường type 1, bệnh đa xơ cứng ( MS),
viêm khớp dạng thấp ( RA).
- Loãng xương
- Bệnh tim mạch
- Rối loạn cảm xúc
- Một số loại ung thư
- Viêm mãn tính
- Viêm khớp
Tóm lại
Sữa mẹ vẫn được xem là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho con bạn trong những năm đầu đời. Nếu có thể, trẻ sơ sinh chỉ nên uống sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ sẽ cần những giọt vitamin D để đáp ứng nhu cầu hằng ngày của trẻ.
Nếu bạn có bất kì mối quan tâm nào về sự an toàn của các chất bổ sung vitamin D cho con bạn, hãy liên hệ với bác sĩ. Nếu con bạn bị đau xương, yếu cơ hoặc dị dạng xương rõ ràng, hãy tìm đến sự trợ giúp y tế.
Người dịch:
Phan Thị Thảo Ngọc – D3A
Nguyễn Thị Thanh Hiền – D4A
Hiệu đính:
Thái Thị Thu Hiền – D5A
Nguồn:
Jacquelyn Cafasso (2018), “Is your baby getting enough vitamin D?”.
Link: https://www.healthline.com/health/parenting/vitamin-d-for-infants