VITAMIN VÀ CÁC CHẤT DINH DƯỠNG KHÁC TRONG THAI KỲ

CLB Sinh Viên Dược Lâm Sàng


Sử dụng các thực phẩm lành mạnh sẽ cung cấp cho bạn tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết trong thai kỳ. Nhưng rất khó để bổ sung đầy đủ các chất như axit folic và sắt nếu chỉ thông qua thực phẩm. Uống vitamin dành cho phụ nữ trước sinh (prenatal vitamin) cùng với việc ăn những thực phẩm lành mạnh giúp bạn và cả thai nhi nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết trước, trong và sau khi mang thai.

Cơ thể của bạn sử dụng các vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác lấy từ thực phẩm để giúp cơ thể khỏe mạnh. Trong thời kỳ mang thai, sự phát triển của thai nhi là nhờ tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết từ cơ thể mẹ. Vì vậy, trong thai kỳ bạn có thể cần nhiều dinh dưỡng hơn so với trước đây. Và nếu bạn mang đa thai (sinh đôi hoặc sinh ba hoặc nhiều hơn nữa) bạn có thể cần nhiều dinh dưỡng hơn so với mang thai đơn.

Dưới đây là những điều bạn cần biết về vitamin và chất dinh dưỡng khi mang thai:

  • Uống “prenatal vitamin” (vitamin dành cho phụ nữ trước sinh) mỗi ngày trong thai kỳ.
  • Chắc chắn rằng “prenatal vitamin” bạn sử dụng có chứa acid folic, sắt và canxi. Hầu hết các loại “prenatal vitamin” đều có chứa lượng phù hợp của các chất dinh dưỡng trên.
  • Trao đổi với bác sĩ của bạn để đảm bảo rằng bạn nhận đủ vitamin D, DHA và iốt mỗi ngày.
  • Báo với bác sĩ nếu bạn có sử dụng bất kỳ loại vitamin và chất bổ sung nào. Không dùng bất kỳ loại thuốc nào nếu không được sự đồng ý của bác sĩ.

Vitamin và chất bổ sung trước khi sinh là gì?

Vitamin trước khi sinh (prenatal vitamin) là loại vitamin tổng hợp (gồm nhiều loại vitamin) dành riêng cho phụ nữ mang thai. So với vitamin tổng hợp thông thường, chúng chứa nhiều hơn một vài chất dinh dưỡng mà bạn cần trong thai kỳ. Bác sĩ có thể kê một loại vitamin trước khi sinh cho bạn vào lần khám sức khỏe tiền sản đầu tiên. Bạn cũng có thể mua chúng mà không cần toa bác sĩ.

Thực phẩm bổ sung là một chế phẩm được dùng để bổ sung một số chất dinh dưỡng mà bạn không nhận đủ từ thực phẩm. Ví dụ, bạn có thể uống thuốc bổ sung vitamin D. Hoặc bạn có thể uống thuốc bổ sung sắt hay canxi. Bác sĩ có thể cho bạn sử dụng một số chất bổ sung nếu bạn là người ăn chay, bạn dị ứng với một vài loại thức ăn hoặc không thể ăn một số loại thực phẩm nhất định.

Những chất dinh dưỡng nào là quan trọng nhất khi mang thai?

Tất cả các chất dinh dưỡng đều quan trọng, nhưng 6 chất dưới đây đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi trong thai kỳ:

  1.  Axit folic
  2.  Sắt
  3.  Canxi
  4.  Vitamin D
  5.  DHA
  6.  Iốt

Axit folic là gì?

Axit folic là một loại vitamin B mà mọi tế bào trong cơ thể bạn cần để tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh. Nếu bạn dùng nó trước và trong thời kỳ đầu mang thai, nó có thể giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh liên quan đến não và cột sống được gọi là khuyết tật ống thần kinh (còn gọi là NTDs). Một số nghiên cứu cho thấy bổ sung axit folic còn có thể giúp ngăn ngừa dị tật tim và dị tật bẩm sinh ở miệng được gọi là sứt môi và hở hàm ếch.

Trong thời kỳ mang thai, uống “prenatal vitamin” có chứa 0,6 miligam axit folic mỗi ngày. Nếu bạn chưa mang thai, hãy uống loại chứa 0,4 miligam axit folic mỗi ngày. Hầu hết phụ nữ không cần nhiều hơn 1 miligam axit folic mỗi ngày, vì vậy hãy trao đổi với bác sĩ của bạn để đảm bảo bạn bổ sung đủ lượng.

Bạn có thể bổ sung axit folic từ thực phẩm. Một số loại thực phẩm được bổ sung thêm axit folic, bao gồm:

  • Bánh mỳ
  • Ngũ cốc.
  • Bột ngô
  • Bột mì
  • Mỳ sợi
  • Gạo trắng

Bạn cũng có thể bổ sung axit folic từ một số loại trái cây và rau quả. Axit folic tự nhiên có trong thực phẩm được gọi là folate. Các nguồn folate tốt bao gồm:

  • Các loại rau xanh, như rau bina và bông cải xanh
  • Đậu lăng và đậu
  • Nước cam

Sắt là gì?

Sắt là một khoáng chất. Cơ thể bạn sử dụng sắt để tạo ra hemoglobin – một loại protein giúp mang oxy từ phổi đến phần còn lại của cơ thể. Cơ thể bạn trong thai kì cần lượng sắt gấp 2 lần so với trước khi mang thai. Khi mang thai, sắt cần để tạo ra nhiều máu hơn giúp mang oxy đến thai nhi. Em bé cũng cần sắt để tự tạo máu.

Trong thời kỳ mang thai, bạn cần 27 mg sắt mỗi ngày. Hầu hết các loại vitamin trước khi sinh đều chứa lượng này. Bạn cũng có thể lấy sắt từ thực phẩm. Các nguồn chứa sắt tốt bao gồm:

  • Thịt nạc, thịt gia cầm và hải sản
  • Ngũ cốc, bánh mì và mì sợi có thêm sắt (kiểm tra nhãn bao bì)
  • Lá rau xanh
  • Đậu, quả hạch, nho khô và trái cây khô

Có 2 loại Sắt:

  • Sắt heme từ thịt, gia cầm và cá
  • Sắt không heme có nguồn gốc thực vật như đậu, trái cây, rau và các loại hạt, hoặc thực phẩm làm từ thực vật, như ngũ cốc. Cơ thể của bạn hấp thụ nhiều chất sắt không heme hơn khi bạn ăn trái cây và rau cùng với thịt, gia cầm và cá hoặc với thực phẩm chứa nhiều vitamin C. Thực phẩm có nhiều vitamin C bao gồm bưởi, xoài, đu đủ, dưa đỏ, cà chua, bắp cải, rau bina và bông cải xanh.

Nếu không bổ sung đủ sắt trong khi mang thai, bạn có nhiều khả năng:

  • Bị nhiễm trùng.
  • Bị thiếu máu. Điều này có nghĩa là bạn có quá ít chất sắt trong máu.
  • Mệt mỏi. Điều này có nghĩa là bạn cảm thấy thực sự mệt mỏi hoặc kiệt sức.
  • Sinh non. Điều này có nghĩa là em bé của bạn được sinh ra quá sớm, trước 37 tuần của thai kỳ.
  • Sinh con nhẹ cân. Điều này có nghĩa là em bé của bạn sinh ra chỉ nặng dưới 2,27kg

Canxi là gì?

Canxi là khoáng chất giúp phát triển xương, răng, tim, cơ và thần kinh của bé. Khi mang thai, bạn cần 1.000 mg canxi mỗi ngày. Bạn có thể nhận được lượng này bằng cách uống vitamin trước khi sinh và ăn thực phẩm có nhiều canxi. Các nguồn canxi tốt bao gồm:

  • Sữa, pho mát và sữa chua
  • Bông cải xanh và cải xoăn
  • Nước cam có thêm canxi (kiểm tra nhãn bao bì)

Nếu bạn không nhận đủ canxi trong thai kỳ, cơ thể bạn sẽ lấy nó từ xương và cung cấp cho em bé của bạn. Điều này có thể gây ra các tình trạng sức khỏe sau này như loãng xương. Trong tình trạng này, xương của bạn trở nên mỏng và dễ gãy.

Vitamin D là gì?

Vitamin D giúp cơ thể bạn hấp thụ canxi. Nó cũng giúp các dây thần kinh, cơ bắp và hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động. Hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể bạn khỏi bị nhiễm trùng. Em bé của bạn cần vitamin D để giúp xương và răng phát triển.

Trong thời kỳ mang thai, bạn cần 600 IU (đơn vị quốc tế) vitamin D mỗi ngày. Bạn có thể nhận được lượng này từ thực phẩm hoặc vitamin trước khi sinh. Các nguồn cung cấp vitamin D tốt bao gồm:

  • Cá béo như cá hồi
  • Sữa và ngũ cốc có thêm vitamin D (kiểm tra nhãn bao bì)

Cơ thể cũng tự tạo ra vitamin D khi da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Nhưng quá nhiều ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến lão hóa da và ung thư, vì vậy tốt hơn hết bạn nên bổ sung vitamin D từ thực phẩm hoặc vitamin trước khi sinh.

DHA là gì?

DHA là viết tắt của axit docosahexaenoic. Đó là một loại chất béo (được gọi là axit béo omega-3) giúp tăng trưởng và phát triển. Trong thời kỳ mang thai, bạn cần 200 mg DHA mỗi ngày để giúp não và mắt của thai nhi phát triển. Không phải tất cả các loại vitamin trước khi sinh đều chứa DHA, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn cần bổ sung DHA. Bạn cũng có thể ăn thực phẩm có DHA. Các nguồn cung cấp DHA tốt bao gồm:

  • Cá chứa ít thủy ngân như cá trích, cá hồi, cá cơm và cá bơn. Trong thời kỳ mang thai, hãy ăn 225mg đến 340mg các loại cá này mỗi tuần.
  • Nước cam, sữa và trứng có bổ sung DHA (kiểm tra nhãn bao bì)

Iốt là gì?

Iốt là một khoáng chất mà cơ thể cần để tạo ra các hormone tuyến giáp. Tuyến giáp là một tuyến ở cổ, sản xuất ra các hormone giúp cơ thể sử dụng và dự trữ năng lượng từ thức ăn. Bạn cần iốt khi mang thai để giúp phát triển não và hệ thần kinh của thai nhi. Hệ thần kinh (não, tủy sống và dây thần kinh) giúp bé di chuyển, suy nghĩ và cảm nhận.

Khi mang thai, bạn cần 220 microgam iốt mỗi ngày. Không phải tất cả các loại vitamin trước khi sinh đều chứa iốt, vì vậy hãy đảm bảo rằng bạn ăn thực phẩm có iốt. Hỏi bác sĩ của bạn nếu bạn cần bổ sung iốt.

Các nguồn iốt tốt bao gồm:

  • Sữa, pho mát và sữa chua
  • Bánh mì và ngũ cốc bổ sung iốt (kiểm tra nhãn gói)
  • Muối iốt (muối có thêm iốt; kiểm tra nhãn bao bì)

Người dịch: Trần Thị Thùy Trang – D4A

Người hiệu đính: Nguyễn Hoài Anh Thư – D5A

Nguồn tham khảo:

March of dimes (2016), “Vitamins and other nutrients during pregnancy”.

Link: https://bom.to/hUYNw9QG